Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Truyện ngắn > Sự từ chối

Sự từ chối

Truyện ngắn của Woody Allen (đạo diễn điện ảnh Mỹ)

Thứ ba 13/05/2008, của Nguyễn Tấn Đại

Khi Boris Ivanivich mở bức thư ra và đọc, cả cô vợ Anna và anh đều tái xanh mặt mày. Bởi vì ngôi trường mẫu giáo tốt nhất Manhattan đã thông báo từ chối cậu con trai ba tuổi Mischa của họ.

- Không thể nào, - Boris Ivanovich sững sờ nói.

- Ừ, chắc là có nhầm lẫn gì đó, - cô vợ chua thêm. - Chứ tính ra, nó là một thằng bé thông minh, dễ chịu và cởi mở, có khiếu ăn nói tuyệt vời, rất thoải mái với trò vẽ tranh ông phệnh [1] khó xơi.

Boris Ivanovich thì mãi để đầu óc đi tận đâu, đắm chìm trong mộng tưởng. Anh phải làm sao để đối mặt với các đồng nghiệp ở Bear Stearns nếu bé Mischa không vào được một trường mẫu giáo danh tiếng? Anh chừng như nghe thấy giọng mỉa mai của Siminov:

- Cậu chẳng hiểu gì mấy chuyện này. Cốt yếu là phải có quan hệ. Tiền bạc thì cũng có lúc đổi tay chứ. Cậu nhu nhược lắm, Boris Ivanovich ạ!

- Không, không, không phải vậy đâu! - Boris Ivanovich bào chữa. - Mình đã bôi trơn hết thảy, từ các thầy cô giáo cho tới những người lau kính, nhưng cuối cùng thằng bé vẫn bị đuổi cổ.

- Buổi vấn đáp của nó tốt chứ? - Siminov hỏi tiếp.

- Tốt, - Boris trả lời, - nhưng chỗ xếp khối đồ chơi thì có vấn đề.

- Ngại chơi xếp khối, - Siminov khẽ nói với giọng khinh rẻ. - Đó là cả câu chuyện dài về khả năng xúc cảm. Chả ai muốn nặng gánh với một đứa bé cục mịch không biết xếp hình một toà lâu đài.

“Nhưng nói chuyện đó với Siminov thì được gì? - Boris Ivanovich nghĩ bụng. - Có khi chính anh ta cũng chẳng hay tin.”

Thế nhưng, ngày thứ hai sau đó, khi Boris Ivanovich bước vào văn phòng, rõ ràng là tất cả mọi người đã biết chuyện. Có một con thỏ chết đặt trên bàn làm việc của anh. Siminov bước vào, khuôn mặt sa sầm mây đen.

- Cậu hiểu không, - anh ta nói, - thằng bé này sẽ không bao giờ được nhận vào một trường đại học xứng danh. Kiểu gì thì kiểu, không bao giờ trong hàng Top 10.

- Chỉ vì lý do đó thôi sao, Dmitri Siminov? Trường mẫu giáo sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đi học của nó à?

- Mình không thích kể tên người ta, - Siminov trả lời, - nhưng mình nhớ lâu lắm rồi có một ông giám đốc ngân hàng đầu tư không xin cho con vào được một vườn trẻ tiếng tăm. Hình như là vì tiếng đồn về khả năng vẽ bằng tay của thằng bé. Tóm lại, thằng bé bị từ chối ở ngôi trường cha mẹ nó đã chọn cho và bắt buộc phải… phải…

- Sao? Nói đi, Dmitri Siminov!

- Người ta nói là khi lên năm nó bắt buộc phải theo học ở một… ở một trường công.

- Ông trời như vậy thật quá bất công! - Boris Ivanovich kết luận.

- Khi mười tám tuổi, tất cả bạn bè ngày xưa của nó đều vào đại học ở Yale hay Stanford, - Siminov kể tiếp, - còn anh chàng tội nghiệp chưa từng thụ hưởng một chế độ giáo dục có chất lượng trong một trường dự bị, nói thế nào nhỉ, có danh có tiếng, thì chỉ được nhận vào một trường dạy cắt tóc. - Bắt buộc phải đi cắt tóc cho thiên hạ à! - Boris Ivanovich kêu lên, tưởng tượng ra cái cảnh Mischa tội nghiệp mặc áo blu trắng, cạo râu cho những người giàu.

- Chưa từng được dạy dỗ bài bản, cả trong cách trang trí bánh kem hay trong các trò chơi với cát, anh chàng này ít được chuẩn bị chu đáo để đối mặt với sự tàn bạo luôn ngự trị trên đời, - Siminov tiếp tục. - Chính vì vậy mà anh ta chỉ lui cui làm những công việc vặt vãnh, và rồi mất việc do thụt két của chủ để thoả cơn ghiền rượu. Sau đó thì anh ta trở thành đệ tử lưu linh chính hiệu. Dĩ nhiên, từ thụt két anh ta dễ dàng quay sang trộm cắp và kết cục dẫn tới giết người, bà chủ trọ bị hắn cắt ra từng khúc. Ngay trước khi bị treo cổ, gã trai này mới kể ra những nỗi bất hạnh do không được vào học ở một trường mẫu giáo xứng tầm.

Đêm đó, Boris Ivanovich không tài nào chợp mắt. Anh thấy ngôi trường mẫu giáo không xin vào được ở Bờ Đông Thượng, các phòng học sáng trưng và trang trí vui mắt. Anh thấy các cậu bé ba tuổi, mặc quần áo hiệu Bonpoint, cắt cắt dán dán, rồi nhấm nháp một bữa ăn nhẹ sạch sẽ - một loại nước trái cây, có thể là Goldfish hay Graham sôcôla. Vì Mischa chắc chắn sẽ không có quyền vào đó, cuộc đời như vậy đâu còn ý nghĩa gì. Anh tưởng tượng cảnh con trai mình, một chàng trai hẳn hoi, đứng trước vị tổng giám đốc của một công ty nổi tiếng, người chất vấn Mischa về kiến thức động vật và hình thể, một chủ đề có lẽ cậu hiểu biết sâu sắc.

- Ơ là… ơ… - Mischa run rẩy trả lời, - đó là hình tam giác. À không, không, hình bát giác. Và đây là con thỏ. À xin lỗi, con kanguru.

- Còn lời bài “Trời mưa, trời mưa, nàng chăn cừu”? - Vị tổng giám đốc hỏi. Ở đây, xứ Smith Barney, tất cả các vị phó chủ tịch đều thuộc lòng bài hát này.

- Thưa ngài, thật tình là tôi chưa bao giờ nhớ rõ bài hát này, - chàng trai trẻ thú nhận, trong khi tờ đơn xin việc của cậu bay vèo qua rơi tòm vào thùng rác.

Những ngày sau khi con bị từ chối, Anna Ivanovich trở nên vô cảm. Cô gây gổ với cô coi trẻ và trách cô này đánh răng cho Mischa từ phải qua trái mà không phải từ trên xuống dưới. Cô rất hay bỏ ăn và khóc lóc nức nở với bác sĩ tâm lý.

“Tôi chắc chắn đã vi phạm ý trời mới ra nông nổi này, - cô rên rỉ. - Tôi chắc chắn đã mắc nhiều tội lỗi vượt quá mọi chừng mực - bao nhiêu là giày dép đã mua ở nhà Prada.”

Cô tưởng tượng đến cảnh nhà Hampton Jitney tìm cách bóp chẹt cô, và không vì một lý do nào rõ ràng nhà Armani đóng hẳn tài khoản của cô, thế là cô nhốt mình trong phòng, trong vòng tay một người tình. Mối quan hệ này không thể lọt qua mắt Boris Ivanovich được, vì anh ta ở chung phòng với vợ anh, mà anh không ngừng hỏi vợ xem người đàn ông nằm cạnh bên mình là ai.

Trong lúc tình hình vô phương cứu vãn, Shamsky, một người bạn luật sư, đã gọi cho Boris Ivanovich và nói vẫn còn một tia hy vọng. Anh ta đề nghị một cuộc hẹn ở nhà hàng Rạp Xiếc để ăn trưa. Boris Ivanovich phải giả trang để đến điểm hẹn, vì từ khi quyết định của trường mẫu giáo được công bố, nhà hàng này đã cấm cửa anh.

- Có một người, tên Fyodorovich gì đó, - Shamsky vừa nói vừa ngậm một muỗng kem nướng. - Ông ta có thể dàn xếp một cuộc vấn đáp thứ hai cho con trai cậu và đổi lại, tất cả những gì cậu phải làm chỉ là tiết lộ cho ông ta những thông tin mật về những công ty nào có giá trị chứng khoán sẽ nhanh chóng tăng cao hoặc cả những công ty sẽ phá sản.

- Nhưng đó là tội tiết lộ thông tin chứng khoán, - Boris Ivanovich phản đối.

- Chỉ khi nào cậu quá coi trọng phép tắc, - Shamsky giải thích. – Mà trời ơi! Chúng ta đang dự định giúp cho con cậu vào được một trường mẫu giáo danh tiếng. Một cái gì đó để đáp lễ cũng là tự nhiên thôi. Đâu có gì ghê gớm. Nhưng mình biết là họ đang tìm ai đó để đầu tư.

Đúng lúc này, một người trong đám bồi bàn nhận ra Boris Ivanovich dưới mái tóc và cái mũi giả. Thế là cả đám nhân viên lao vào anh ta, xách nách lôi ra đến tận cửa.

“Úi xì…, - ông quản lý nhà hàng la lớn. - Cậu tưởng lừa được bọn ta hả? Ra ngoài! Ờ, còn chuyện tương lai thằng nhóc tì nhà cậu đấy à, bọn ta luôn cần người để sai vặt đấy. Hô biến, đồ đần độn!”

Tôi hôm đó ở nhà, Boris Ivanovich báo cho vợ biết là họ cần phải bán cái villa ở Amagansett để có tiền lo lót.

“Cái gì? Ngôi nhà xinh đẹp của chúng ta ở quê nhà? - Anna kêu lên. - Các chị cùng với em đã lớn lên ở đó. Chúng ta đã được người hàng xóm cho phép đi tắt ngang nhà để có thể đi bộ ra bãi biển. Lối đi này băng qua đúng cái bàn trong bếp nhà họ. Em nhớ cả nhà cùng với em đã đạp bể cả chén nhà Cheerios khi chạy ra bãi biển chơi đùa, bơi lội.”

Thật không may, ngay từ sáng buổi vấn đáp thứ hai của Mischa, con cá cảnh của cậu đang sống tung tăng đột nhiên quay ra chết. Không một dấu hiệu báo trước cũng chẳng bệnh tật gì. Thực ra, nó mới vừa được kiểm tra sức khoẻ tổng quát và kết luận là hoàn toàn khoẻ mạnh. Dĩ nhiên là cậu bé ngậm ngùi tiếc nuối không thôi. Khi vào vấn đáp, cậu nhất định không chịu đụng vào các khối lego cũng như bút màu vẽ. Khi thầy giáo hỏi tuổi cậu, Mischa trả lời khô khốc: “Người ta mà thèm vào, ông béo.”

Và lần thứ hai, cậu bé bị đánh hỏng.

Boris Ivanovich và Anna kể từ đó trắng tay, phải dọn đến ở tại một trung tâm dành cho người vô gia cư. Ở đó, họ đã gặp nhiều gia đình khác cũng có con bị các trường mẫu giáo nổi tiếng từ chối. Thỉnh thoảng họ lại chia sẻ đồ ăn với những người này và kể cho nhau nghe những kỷ niệm về một thời giàu có với máy bay riêng hay những ngày nghỉ sang trọng ở Mar-a-Lago. Boris Ivanovich phát hiện ra những mảnh đời còn bất hạnh hơn mình, những con người chất phát đã bị từ chối cấp một căn hộ vì thu nhập không đủ mức yêu cầu. Đằng sau tấm mặt nạ đau đớn, tất cả những con người ấy đều có một vẻ đẹp trang nghiêm.

“Bây giờ, anh đã tin vào một điều, - một hôm anh nói với vợ. - Anh tin rằng cuộc đời có một ý nghĩa và rằng tất cả các hạng người, kẻ giàu cũng như người nghèo, đều sẽ kết thúc bằng cách về với thành trì Thiên Chúa [2], bởi vì Manhattan đã thực sự trở thành nơi không sống được.”

(Dịch từ bản tiếng Pháp của Brice Mathieussent. Đăng trên: Người Đại Biểu Nhân Dân, số 66 (719), ngày 07/03/2006)


[1Bài kiểm tra yêu cầu trẻ em vẽ hình ông phệnh để đánh giá sự phát triển về cảm xúc và trí thông minh. (ND.)

[2Lấy tích truyện “Thành trì Thiên Chúa” của thánh Augustino (354-430). Tác phẩm này là lời biện hộ cho những người Thiên Chúa giáo vốn bị những người đa thần giáo kết tội làm sụp đổ thành Rome (410). Trong tác phẩm này, tác giả đã đối chiếu thành trì vật chất với thành trì tinh thần, lãnh địa của những linh hồn tiền định. (ND.)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)