Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Truyện ngắn > Không đề
Không đề
Truyện ngắn của Emmanuel Sachs (Pháp)
Thứ ba 13/05/2008, của
Tôi làm kế toán cho một công ty xây dựng dân dụng nhỏ. Tôi sống từ nhỏ đến lớn trong thành phố, và bây giờ ở cùng mẹ và con gái tôi, Sarah. Ba của Sarah đã mất, cả ba mẹ con bà cháu chúng tôi sống rất chật vật với nỗi lo tiền thuê nhà và ăn uống hàng ngày. Mẹ tôi không còn làm việc kiếm sống nữa, bà đi lại rất khó khăn. Bà chăm sóc Sarah rất chu đáo và hai bà cháu rất hợp tính nhau.
Công ty của tôi bị phá sản, nhưng tôi vẫn tin rằng mình sẽ dễ dàng kiếm được việc làm khác. Tôi có chút trình độ, lại chẳng mong gì hơn là cả nhà ba người chúng tôi có thể tiếp tục sống bình thường không đói rét. Vậy mà hy vọng đó cũng chẳng sáng sủa gì. Sarah là một cô bé dễ thương,
bé bỏng dễ thương như bao cô bé trong mắt mẹ mình. Đôi khi, tôi có cảm giác là nó mang một cái nhìn trống rỗng của những người không còn trông đợi vào bất cứ điều gì và cảm giác đó làm tim tôi thắt lại. Chúng tôi đang sống ở đất nước nào đây? Vì lý gì mà tôi đã cho ra đời một đứa con buồn rầu, vô cảm như thế?
Suốt cả tháng trời tôi không có việc làm, dù đã nỗ lực tìm kiếm. Tôi đến tự giới thiệu với các ông chủ, phải ba chục người là ít, nhưng chả ai có việc gì thích hợp cho tôi.
Gần như mất hết hy vọng, đúng là không còn hy vọng, tôi tìm đến một xưởng sản xuất vũ khí. Tôi đâu có thích làm việc trong cái chốn như thế, dù chỉ đơn thuần làm công việc kế toán. Một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi tiếp tôi, với hàng lô câu hỏi cả về khả năng nghề nghiệp lẫn đời sống cá nhân. Tôi đã có gia đình chưa? Tôi có mấy con? Tôi có nhiều bạn bè không?
Tôi trả lời “không” với tất cả các câu hỏi, trừ câu hỏi về con cái, tôi không muốn nói dối: “Dạ, tôi có một cháu gái”. “Rất tốt, - ông ta nói, - tất cả đều rất tốt. Tôi nghĩ rằng sẽ có việc cho cô. Tôi giới thiệu cô đi gặp Hans Werner. Hãy tìm ông ta theo địa chỉ này vào ngày thứ sáu tới, khoảng 3-4 giờ chiều. Nhớ đúng hẹn!” Tôi cầm lấy tờ giấy ông ta vừa đẩy qua.
Những ngày tiếp theo tôi cứ hân hoan trong bụng. Tôi cảm thấy mọi sự rồi sẽ ổn thoả đâu vào đấy, rằng tôi sẽ không còn trằn trọc mỗi đêm lo lắng không biết tháng tới phải sống như thế nào. Tôi sợ nhất là việc chủ nhà đuổi chúng tôi ra khỏi cửa. Ông ta là người tử tế, nhưng ai mà chẳng cần tiền để sống.
Ngày thứ sáu đó tôi đến đúng hẹn. Địa chỉ mà ông chủ xưởng vũ khí cho tôi là một cái nhà kho nhỏ nhếch nhác. Cửa để mở và tôi bước vào. Bên tay trái, một người đàn ông ngồi sau một cái bàn nhỏ. Ông ta lên tiếng:
- Cứ tự nhiên! Mời cô vào!
- Tôi là…
- Tôi biết cô là ai.
Ông ta đi tìm một cái ghế, đặt nó ngay cạnh bàn phía đối diện ông ta và nói: “Mời cô ngồi!” Tôi ngồi xuống. Ông ta ngắm tôi một lúc, tôi cuối đầu xuống và nhìn quanh dưới chân. Tôi không biết nói gì, không thấy lo lắng buồn vui gì. Người đàn ông này gây cho tôi một ấn tượng mạnh.
Rồi ông ta hỏi tôi:
- Cô kiếm được bao nhiêu với công việc trước kia?
- Vừa đủ sống.
- Tôi sẽ trả cho cô gấp mười lần, bù luôn trượt giá.
Tôi tự nhủ rằng ông ta đã nhầm, rằng không thể nào như thế được, tôi đâu có đáng giá tới vậy. Chắc là ông ta đã nhầm với ai. Nhưng ông ta nói tiếp: “Kèm với các điều kiện. Công việc này đòi hỏi vài sự hy sinh của cô, tương xứng với mức thu nhập của nó.”
Ông ta gõ gõ ngón tay trên mặt bàn và tiếp tục:
- Cô phải xa gia đình trong suốt thời gian làm việc. Tôi biết rõ gia đình cô, mẹ cô và con gái cô.
- Trong bao lâu?
- Khoảng một năm. Cô sẽ được đưa đến một nơi bí mật, và sẽ không được rời nửa bước khi nào chưa xong việc. Cô sẽ sống một mình.
Lúc đó, tôi không còn nghe những gì ông ta nói nữa. Tôi nghĩ đến mọi thứ mà mẹ tôi có thể mua cho Sarah: một cái áo khoác dày vào mùa đông, như cái áo nó đã mặc từ ba năm nay, mà ở tuổi đó người ta lớn như thổi. Mẹ tôi có thể sắm cho mình một chiếc áo gilê, và những cái nồi mới, và bao nhiêu thứ khác nữa. Nhất là bà có thể mua thịt, ít ra đã hai tháng rồi chúng tôi không được ăn thịt.
Người đàn ông lại lên tiếng:
- Mỗi tháng, tôi sẽ đến đưa tiền cho mẹ cô.
- Ông biết mẹ tôi sống ở đâu?
- Chắc chắn rồi, chúng tôi đã biết trước khi cô tới đây.
- Vậy tôi làm việc cho ai?
- Cho Nhà nước, thưa cô. Cho Nhà nước.
Vậy là đã rõ. Hồi đó tôi nghĩ rằng chẳng có việc làm nào tốt hơn làm viên chức nhà nước. Người đàn ông có vẻ thoả mãn với câu trả lời của mình. Ông ta vểnh cằm lên, mắt nhìn tôi. Thấy tôi đang tỏ vẻ kinh ngạc, ông ta trấn an:
- Cô yên tâm, chúng tôi đâu phải người xấu, chúng tôi hiểu sự hy sinh đã đòi hỏi ở cô. Hãy nghĩ đến việc cô làm kế toán và nuôi sống được cả gia đình. Tôi sẽ là người cung cấp cho cô đủ mọi thứ cần thiết để làm việc. Một việc làm, đó chẳng phải là điều cô mong muốn ư?
Chúng tôi im lặng một hồi lâu, rồi tôi hỏi:
- Khi nào tôi có thể bắt đầu?
- Tối nay. Thực ra là ngay bây giờ. Tôi sẽ đưa cô đi. Tôi là người duy nhất trao đổi với cô trong suốt quá trình làm việc. Bây giờ cô viết thư cho mẹ cô trên tờ giấy này (ông ta đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ cỡ tấm bưu thiếp), rằng cô đã tìm được việc làm và vài tháng nữa sẽ trở về, nói với mẹ cô rằng hàng tháng sẽ có người mang tiền đến cho bà ấy, rằng bà ấy không có gì phải lo lắng.
Tôi làm theo lời ông ta. Ông ta đóng cửa nhà kho lại, đưa tôi ra một chiếc xe hơi đậu ở sân sau và leo lên ngồi cùng với tôi. Một người đang ngồi chờ ở tay lái, nổ máy cho xe chạy đi.
Khi ra khỏi thành phố, người đàn ông lấy một dải khăn đen bịt mắt tôi lại, và tôi chẳng có phản ứng gì. Tôi không biết họ đưa tôi đi đâu, tôi không cần biết điều đó, tôi chỉ tự nhủ rằng mẹ và con gái tôi sẽ sống được đàng hoàng tử tế. Tôi không nghĩ đến chuyện người đàn ông này có thể lừa dối tôi. Nghĩ cho cùng tôi đâu có quyền lựa chọn.
Tôi được đưa vào một căn phòng tối om, không cửa sổ, chỉ có duy nhất một cái lỗ lắp kính con con bé tí. Ở đó có một cái giường, một cái mền cỡ vừa, một cái bàn (đủ lớn để đặt tất cả những thứ giấy tờ hồ sơ người ta mang đến cho tôi mỗi ngày), một cái ghế, một cái bồn rửa mặt, và trong góc là một cái bồn cầu. Cái lỗ lắp kính kia quá cao nên tôi không thể nhìn được ra ngoài, ngay cả khi trèo lên ghế.
Một người đàn bà cứ đều đặn mỗi ngày đem đến cho tôi sữa, bánh mì, một ít thịt, khoai tây. Cứ mỗi mười lăm ngày tôi đề nghị đổi quần áo, và họ thay cho tôi. Tôi cũng nhận được những chiếc khăn nhỏ để dùng đến trong những ngày thấy tháng, cùng với xà phòng. Tôi tự an ủi mình rằng như thế còn tốt hơn ở tù, vì tôi không bị đối xử tệ và tôi có việc làm. Đúng vậy, nếu như tôi nói đến chuyện ở tù, đó là vì tôi không thể nào bước ra khỏi căn phòng đang ở được. Tôi bị nhốt kín.
Tôi không lo lắng. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn viết thư cho tôi. Trong thư, bà kể rằng mọi chuyện đều tốt đẹp, rằng Sarah lớn nhanh, rằng từ khi hai người được ăn uống thoả thích, cái lạnh mùa đông đã không còn đáng sợ nữa…
Sự xa cách đó cũng không đáng sợ đối với tôi, trừ vài buổi tối khi không còn việc gì để làm. Tôi muốn nói chuyện với một ai đó và vì thế tôi khóc. Tôi hay muốn khóc khi cảm thấy bất an, luôn luôn như thế. Cũng như cái ngày tôi hay tin François mất. Sarah chưa đầy một tuổi, François bị giết trong một nhà hàng khi đến gặp vài người bạn và những người thân của gia đình.
François là người Do Thái, tôi chỉ biết điều đó sau khi cưới nhau. Anh ấy bị cắt da bao quy đầu. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng do một tai nạn nào đó nên bác sĩ đã cắt mất đi. Thật là ngây thơ! Tôi đã thấy cái ấy bao giờ đâu. Chúng tôi làm lễ cưới ở toà thị chính, mẹ tôi không quá sùng đạo, tôi cũng không, và François cũng vậy. Anh ấy giảng giải cho tôi về đạo Do Thái, mà tôi chẳng hiểu mấy tí, rồi sau đó chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa.
Anh ấy không cảm thấy mình là người Do Thái, chị anh ấy cũng không. Đối với tôi người Do Thái chẳng có gì khác, cũng như người tóc vàng, người xinh đẹp, hay như người ta có được sinh ra trên đời hay không, chẳng có gì quan trọng. Chẳng ai xin cho mình được ra đời, chúng ta ở đó, những người khác ở đó, cần phải sống chung càng hoà hợp càng tốt cho tới tận lúc chết. Đừng bắt người khác phải tin điều mình tin là sự thật.
Suốt cả ngày, tôi chăm chú vào công việc kế toán, những thứ giấy tờ chi li và những phép tính tỉ mỉ. Tôi rất thích những con số, chúng làm cho tôi yên tâm. Tôi không biết những con số này có ý nghĩa gì, chẳng hiểu những bảng biểu đã được mã hoá, nhưng tôi thích những phép tính. Tôi nghĩ mình đã có thể theo học đại học toán nếu như mẹ tôi có đủ tiền cho tôi đóng học phí. Người ta đưa cho tôi hàng đống giấy tờ, đôi khi chữ nghĩa không rõ ràng, và tôi say mê giải nghĩa chúng để lập thành những bảng biểu không chê vào đâu được, một cách đầy tự hào.
Thỉnh thoảng, khi muốn giải thoát đầu óc khỏi những con số, tôi làm thơ. Những bài thơ con cóc nói về lòng nhớ mong, về nỗi bất hạnh, về cuộc đời đói rét, về không gian lặng im. Về nụ cười của một cô bé.
Có một cái gương nhỏ gắn ngay phía trên bồn rửa mặt, và tôi thấy mình già đi trong đó. Tôi hơi ái ngại: con gái tôi có thể không còn nhận ra tôi nữa. Thế là tôi cố đi lại thật nhiều trong phòng, để giữ cho mình còn sức sống, tôi thèm có được chút ánh nắng mặt trời, nhưng vẫn tự động viên: “Để sau, chẳng còn bao lâu nữa đâu.”
Dần dà, người đàn bà mang thức ăn cho tôi có vẻ ngày càng mệt mỏi. Có khi tôi đánh bạo hỏi chuyện, nhưng bà ta chẳng bao giờ trả lời. Tôi tự hỏi bà ta bị câm hay điếc gì chăng, nên một hôm tôi cầm lấy tay bà, bà vội vàng lùi lại và nói: “Không!” Vậy là bà ta không câm không điếc, nhưng vẫn chẳng bao giờ trả lời câu hỏi nào của tôi. Thật ra tôi chỉ muốn hỏi một câu duy nhất: “Bà ta đang làm gì và chúng tôi đang ở đâu?” Tôi hỏi cả người đàn ông vẫn mang giấy tờ vào cho tôi, người đã nhận tôi vào làm. Vẫn chẳng có câu trả lời nào cả.
Sau một năm, tôi đã sáng tác cả kịch bản sân khấu, và tôi diễn tất cả các vai. Tôi là cô người yêu xinh đẹp, là cô gái hấp hối, hay cả người cha hung dữ. Tôi ngâm nga Phèdre: “Ta không đứng vững được nữa, sức lực đã rời bỏ ta” hay “Ta cảm thấy cả thân thể ta đang tê cóng đang nóng chảy”.
Cũng sau một năm thì mọi sự thay đổi: tôi không còn tính toán những A, những B, những O và tất cả những chữ cái khác nữa, mà bây giờ là vàng, là bạc, là đồng, là cotton, là len, là da và những thứ đá quý. Mà các đơn vị tính vẫn không đổi: những gram, thậm chí những kílô. Tôi phải chuyển tất cả sang kílô mà vẫn đảm bảo chính xác từng li từng tí khối lượng vàng, với những thứ khác thì ít chi li hơn, như len, cotton, các loại sợi và sợi bện.
Người đàn ông khen ngợi công việc của tôi. Khi tôi hỏi ông bao giờ tôi được trở về nhà, ông ta trả lời: “Sớm thôi. Tất cả sẽ xong sớm thôi, chúng tôi vẫn làm việc hết mình và cô cũng thế. Không còn nhiều việc lắm đâu.”
Câu trả lời này đã làm tôi hào hứng hẳn lên, và suốt mấy ngày sau đó lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan, tôi mơ về ngôi nhà ở quê, những khung cửa sổ mở rộng, những bông hoa nhỏ xinh, những con mèo gầm gừ, và bầy chim hót líu lo. Ban đêm tôi thích ngủ hơn, đêm trở nên đẹp hơn ngày, tôi mơ sung sướng tột cùng, và thấy mình tươi tỉnh hẳn ra. Tôi thấy mình trong gương có những quầng thâm dưới mắt, nhưng điều đó không còn quan trọng bằng những việc tôi được người đàn ông giao làm.
Mùa đông thứ hai lại đến và tôi bắt đầu thấy yếu dần. Rồi một ngày, tôi chẳng thấy ai đến. Ngày thứ hai cũng vậy. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, bụng bắt đầu sôi lên vì đói. Tôi tiêu pha thì giờ buồn chán bằng cách ngồi lật những cuốn sổ lưu đầy số liệu từ mấy tháng qua (tôi luôn làm hai cuốn, một giao cho người đàn ông mỗi ngày và một giữ cho riêng tôi).
Suốt mấy tháng trời làm việc, tôi đã lập bao nhiêu danh sách những món hàng quí giá mà chả bao giờ để ý đến nguồn gốc cũng như đích đến của chúng. Đến ngày thứ ba, hết chịu được nữa nên tôi đành đập cửa. Tôi đập cửa hàng tiếng đồng hồ, cho đến khi người đàn bà vẫn mang đồ ăn cho tôi đến mở cửa rồi lập tức biến mất.
Tôi đứng trong một hành lang tối om, rất dài. Tôi thận trọng bước tới, đường dốc không cao nên tôi đi lên khá dễ dàng. Cuối cùng cũng có một tia sáng le lói dưới một cánh cửa, ở cuối hành lang. Tôi mở cửa, không một trở lực.
Bên ngoài, trời rất lạnh. Tôi nhớ hôm đó là ngày 18 tháng giêng năm 1945. Tôi quen ghi lại ngày tháng một cách cẩn thận. Tôi nghe vẳng lại những giọng nói, tiếng kêu ồn ào bằng một thứ ngôn ngữ không hiểu được, những mệnh lệnh, những tiếng la hét, những đôi giày bốt giậm đều thình thịch trên nền đất đã đóng băng, những tiếng la hét, liên hồi những tiếng la hét, và rồi tiếng súng nổ đì đùng.
Tôi bước tới trong giá lạnh, và bị hất ngã, cảnh hỗn loạn này làm tôi mất phương hướng. Đã nhiều tháng liền sống trong yên lặng, giờ đây tôi cảm thấy choáng váng. Chẳng ai nhìn tôi, tôi đuổi theo những người đàn ông đang chạy phía trước. Đến một cái cổng to, tôi dừng lại, ngẩng đầu lên và đọc được dòng chữ: “Lao động đem lại tự do” [1]. Tôi mỉm cười: “Ừ, mình đã làm việc cật lực, mình được tự do, mình sẽ có thể sống được với đồng tiền đã vất vả kiếm được”.
Bỗng nhiên, tôi nhận ra giữa đám lính tán loạn kia người đàn ông đã chuyển giấy tờ cho tôi, khuôn mặt ông ta đầy vẻ lo âu. Tôi chạy theo nắm áo ông ta kéo lại, và hỏi: “Xong rồi, bây giờ tôi có thể về nhà, gặp lại mẹ và con gái tôi chứ? Họ vẫn sống tốt, phải không?”
Người đàn ông giơ tay, mơ hồ chỉ lên bầu trời xám xịt: “Họ ở trên đó. Phần còn lại chắc là nằm trong những cuốn sổ lưu…” Trước khi bước đi, vẫn không nhìn tôi, ông ta hét to: “Chào mừng đã đến Auschwitz [2], thưa bà Muller! Bây giờ chúng tôi giao bà cho những chủ nhân mới.”
Tôi ngồi bệt xuống đất. Tôi không còn thấy lạnh. Tôi được một người đàn bà mặc áo blu trắng choàng áo khoác đen đỡ dậy. Từ đó, tôi sống trong một nơi gần như là bệnh viện. Tôi không nói, tôi không ngủ. Tôi muốn chết thật mau. Tôi sẽ chết thật mau. Điều đó thật hạnh phúc!
(Dịch theo nguyên bản tiếng Pháp “Sans titre” của Emmanuelle Sachs, đăng trên báo Người đại biểu nhân dân, số 178 (570), 26/09/2005)
[1] Trong nguyên văn: “Arbeit macht frei” (tiếng Đức) (ND).
[2] Auschwitz: trại tập trung khét tiếng của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II (ND).