Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Xã hội > Những nhược điểm lớn trong mã số công dân 12 chữ số của Bộ Công an

Những nhược điểm lớn trong mã số công dân 12 chữ số của Bộ Công an

Thứ sáu 27/09/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Ngày 25/09/2013, Tổng cục Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an đã tổ chức hội thảo giới thiệu chi tiết về cấu trúc mã số công dân 12 chữ số, gồm: PPP-G-YY-NNN-NNN. Trong đó PPP là mã tỉnh thành nơi làm khai sinh, G là giới tính kết hợp với thế kỉ sinh, YY là hai số cuối năm sinh, NNN-NNN là số thứ tự công dân được cấp mã số. Nhìn chung, cấu trúc mã số công dân này có khá nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, đó là lãng phí tài nguyên. Độ dài 12 con số là quá lãng phí so với lượng thông tin mà nó cung cấp, vì chỉ cho biết được tỉnh thành nơi công dân làm khai sinh, giới tính, năm sinh và số thứ tự công dân. Cả nước hiện chỉ có 63 tỉnh thành, dùng ba con số để mã hoá thông tin này đồng nghĩa với việc bỏ phí hoàn toàn gần 94 % kho số (trên lí thuyết có thể kéo dài đến 999). Trong tương lai nếu có chia tách, sát nhập thì có lẽ số lượng tỉnh thành cũng sẽ không có biến động gì quá lớn. Còn nếu muốn hội nhập quốc tế thì cũng gặp trở ngại, do cần ít nhất hai con số cho đơn vị cấp tỉnh, và một con số còn lại chắc chắn không đủ để thể hiện mã quốc gia.

Thứ hai, cấu trúc mã này không thuận lợi để phối hợp với các bộ ngành khác khi triển khai thực hiện. Về mặt hành chính, UBND cấp xã phường là nơi cấp giấy khai sinh và mã số công dân. Ở đây, công an tỉnh lại nắm quyền cấp số thứ tự hồ sơ công dân. Để quản lí thông suốt và không bị trùng lặp, chắc chắn sẽ phải xây dựng hệ thống thông tin kết nối giữa công an tỉnh và bộ phận tư pháp các xã phường. Nhưng quy tắc cấp số theo thứ tự nào thì chưa rõ. Nếu cấp ngẫu nhiên theo thứ tự ghi dữ liệu vào hệ thống thì kết quả là chuỗi sáu số thứ tự công dân của tất cả các xã phường, quận huyện trong mỗi tỉnh thành đều xáo trộn xen lẫn với nhau. Nếu để ba số cuối cho thứ tự công dân và ba số đầu dành cho xã phường thì cũng gây lãng phí, vì chỉ khai thác được 18 % kho số (bình quân cả nước có 177 xã phường trong mỗi tỉnh thành). Không chỉ vậy, cách làm này còn tạo ra thêm một loại mã hành chính khác trong khi đã có nhiều loại mã khác hiện hành (đầu số CMND cũ, biển số xe, mã vùng điện thoại, mã bưu chính,...) Tức cũng là một dạng lãng phí các nguồn tài nguyên sẵn có.

Tiếp theo, đó là tính thẩm mĩ không cao. Nhìn vào các mẫu CMND mới cấp, có thể thấy một dãy dài các con số 0 trong số thứ tự công dân. Trên lý thuyết, sáu con số cuối cho phép mỗi tỉnh thành cấp đến 999.999 mã số cho các công dân có cùng năm sinh. Trong khi theo dữ liệu thống kê về dân số, bình quân mỗi tỉnh thành chỉ có khoảng 19.570 người thuộc cùng một độ tuổi. Điều đó có nghĩa là hiệu suất khai thác kho số bình quân chỉ đạt khoảng 2 %. Ngay cả khi xét riêng tại hai thành phố đông dân nhất là TP. HCM và Hà Nội, với tổng dân số bình quân (theo thống kê năm 2011) khoảng trên 14 triệu người thì hiệu suất khai thác cũng chỉ đến khoảng 10 %, tức một lần nữa lãng phí trên dưới 90 % kho số chỉ riêng ở khâu này.

Thứ tư, cấu trúc này có thể gây nhiều rắc rối. Vấn đề này đã có nhiều ý kiến được nêu ra ngay tại hội thảo. Nếu tiếp tục chủ trương đưa thông tin giới tính vào mã số công dân, người có giới tính thứ ba hay chuyển giới hoặc sẽ bị đặt ngoài lề xã hội, hoặc sẽ gặp nhiều phiền toái về thủ tục hành chính về sau. Hơn thế nữa, sự rắc rối còn nằm ở chỗ làm phức tạp hoá con số giới tính khi dùng 0 cho nam và 1 cho nữ sinh trong khoảng 1900-1999, rồi phải chăng 2 cho nam và 3 cho nữ sinh trong khoảng 2000-2099,… cứ thế cho đến hết năm thế kỉ? So giữa ý nghĩa của việc biết được giới tính của công dân trong mã số định danh ở góc độ quản lí hành chính với những rắc rối nhiều mặt mà nó gây ra cả về ngắn hạn và lâu dài, có lẽ đó không phải là giải pháp hợp lí.

Cuối cùng, bộ mã này không có tính ổn định lâu bền do thiếu tính đồng bộ nội tại. Lẽ ra, với 999.999 con số ở mỗi tỉnh thành, bộ mã này có thể áp dụng cho đến khi tổng dân số nước ta tăng gấp 50 lần hiện nay (tức 4,6 tỉ người). Theo đà gia tăng dân số tự nhiên bình quân cả nước ước khoảng 11,2 ‰ trong sáu năm 2005-2011, thì kho số ấy phải sử dụng được đến gần 4.500 năm. Tuy nhiên, do mục đích hạn chế sự lãng phí của việc sử dụng một con số cho hai giới tính (tức bỏ hoàn toàn 80 % kho số) nên đã xuất hiện giải pháp kết hợp cả thế kỉ sinh vào đó, như đã nêu trên. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, vì cách kết hợp hai trong một này cho phép khai thác tối đa quỹ số ở vị trí thứ tư trong chuỗi mã số công dân, nhưng lại làm triệt tiêu gần 90 % hiệu suất khai thác dãy sáu con số thứ tự công dân.

Như vậy, so với mục đích quản lí của Bộ Công an như đã phân tích, mỗi một vị trí của chuỗi mã số 12 con số này đều gây lãng phí nguồn tài nguyên ở mức độ cực lớn mà hiệu quả tích hợp thông tin không tương xứng. Với cùng mục đích, cấu trúc mã định danh công dân đã nêu trong bài Lời giải cho “đề bài” mã định danh công dân 10 con số của GS Ngô Bảo Châu có nhiều ưu điểm hơn. Đó có thể không phải là giải pháp tối ưu sau cùng, nhưng chắc chắn gợi ra được một hướng đi để tìm những giải pháp cân bằng nhiều yếu tố lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cả ở góc độ nhà quản lí lẫn người dân./.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)