Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Xã hội > Ngôn ngữ bình luận viên và sự lựa chọn

Ngôn ngữ bình luận viên và sự lựa chọn

Thứ sáu 05/06/2015, của Nguyễn Tấn Đại

Đây là bản gốc của bài "Thảm họa bình luận viên: Bất bình hay ‘cười đau ruột’?" đăng trên chuyên mục "Thư Thăng Long" của Tuần Việt Nam, ngày 06/06/2015, với vài chỗ được biên tập lại theo gợi ý của toà soạn

Sau một trận thắng đẹp của đội tuyển U23 quốc gia, bên cạnh những lời tán dương tận mây xanh các cầu thủ trẻ, dư luận lại xôn xao với những câu nói gọi là “bất hủ”, “chết cười”, “đau ruột”... của bình luận viên. Có thể thấy có ba “phe” chính. Thứ nhất, có vẻ là số đông phê phán cách sử dụng ngôn từ của bình luận viên, không chỉ là một hai câu trong vài ba tình huống của một trận đấu, mà xâu chuỗi lại thành cả một quá trình lâu dài xuyên suốt và có hệ thống. Thứ hai, một số bênh vực bình luận viên, với lí do chủ yếu là cần phải nói nhiều, cung cấp thông tin và lan truyền cảm hứng cho người xem qua màn ảnh nhỏ, và nếu có sai sót trong cách diễn đạt thì đó không phải là vấn đề, hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thứ ba, một số khác biết nói thế là sai, nếu sửa được thì tốt hơn, nhưng cho rằng không nên trầm trọng hoá vấn đề, có những chuyện như vậy mới vui.

Nhìn chung, hầu như không ai phủ nhận việc bình luận viên nói sai trong phần lớn các lỗi được nêu ra. Sai ngữ pháp tiếng Việt. Sử dụng từ ngữ sai hoặc không phù hợp với bối cảnh. Diễn đạt tối nghĩa. Cung cấp thông tin bổ sung nhiều khi rất thừa thãi và không ăn nhập gì với diễn tiến trên sân cỏ. Nói lòng vòng rườm rà. So sánh cường điệu thái quá. Đưa ra lắm giả định đến mức tào lao. Nhiều liên tưởng vô duyên... Tách riêng từng tình huống, bất cứ bình luận viên nào cũng có thể mắc phải một hay vài lỗi kể trên. Và điều đó hoàn toàn có thể giải thích với một lí do chấp nhận được. Nhưng khi số lỗi đó tập trung vào một người, xảy ra trong rất nhiều tình huống của từng trận đấu ở mọi giải đấu qua tay anh trong nhiều năm liền, tất phải đặt lại một câu hỏi, vì sao thế?

Trước bình luận viên này, đồng thời với anh và cả sau anh nhiều năm nữa, đã, đang và sẽ còn có nhiều người làm công việc bình luận bóng đá nói riêng, bình luận thể thao nói chung. Không ai hoàn hảo đến mức không mắc lỗi nào. Nhưng không có ai trở thành đối tượng chính bị bắt lỗi một cách thường xuyên và có hệ thống như anh. Tại sao có sự khác biệt ấy? Về quan điểm bình luận bóng đá là nói ít hay nói nhiều, cung cấp thông tin ngoài sân cỏ hay tập trung vào chuyên môn, truyền được cảm hứng hay không, điều đó thuộc về sở thích cá nhân của người xem, không phải bàn cãi. Nhưng có phải bình luận viên nào nói nhiều chuyện ngoài lề không theo sát diễn tiến trận đấu trên sân cũng mắc lỗi như anh? Tương tự, để truyền cảm hứng cho khán giả không nhất thiết cứ phải nói sai, bình luận tầm phào. Người khác có thể mắc lỗi, nhưng thường thì họ xin lỗi ngay và tập trung hơn để tránh lỗi tương tự. Dư luận có đem họ ra mà mổ xẻ như trường hợp của anh?

Người ta thường nói cuộc sống là một chuỗi dài những lựa chọn. Số đông công chúng, người nộp thuế để góp phần duy trì các đơn vị hoạt động công ích như đài truyền hình quốc gia, khi phản ứng và bắt lỗi anh, đó là họ đã lựa chọn cách nói lên sự không hài lòng về chất lượng dịch vụ mà họ nhận được. Một phần công chúng bênh vực anh, không phải vì anh đúng, mà vì họ xem những cái sai một cách có hệ thống của anh là chuyện bình thường. Điều đó âu cũng dễ hiểu khi người dân Việt Nam hàng ngày đã quá quen với những chuyện sai trái mười mươi mà vẫn điềm nhiên chấp nhận. Đó là một lựa chọn. Một phần công chúng nữa không phê phán anh, cũng chẳng phải vì anh đúng, mà vì họ chỉ lấy sự “chết cười” đó làm niềm vui thư giãn giữa cuộc sống bộn bề lo toan căng thẳng, chứ không phải chuyện gì nghiêm trọng. Đó cũng là một lựa chọn.

Bản thân bình luận viên, đối diện với công luận, cho đến nay anh chưa cho thấy có chút ý định hay biểu hiện nào sẽ sửa chữa, khắc phục những lỗi ngôn ngữ đã mắc phải. Có thể vì anh tự cho rằng mình đúng? Hoặc biết sai nhưng anh không sửa, vì có người ủng hộ và không phê phán? Hay là anh biết sai, nhưng không đủ điều kiện để sửa sai? Với ưu điểm là khả năng truyền cảm hứng mà nhiều người thừa nhận, nếu khắc phục được những lỗi ngôn ngữ kia, biết đâu anh sẽ trở thành một bình luận viên hoàn hảo? Dù với lí do nào, thái độ và hành vi ứng xử của anh trong câu chuyện này đã là một lựa chọn. Anh sẽ có một lựa chọn khác hay không, thời gian sẽ trả lời.

Đài truyền hình trung ương nơi anh công tác, trước công luận cũng không hề có một động thái nào rõ ràng để xử lí việc này. Cái thấy được là, câu chuyện diễn ra đã nhiều năm không có gì thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn cả. Phải chăng sự không hài lòng của người nộp thuế đối với dịch vụ mà một đơn vị hoạt động công ích mang lại cho họ là không đáng để quan tâm? Phải chăng góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hay ít nhất là đừng làm cho nó ngày càng vẩn đục hơn, không phải là một nhiệm vụ cần đặt ra của cơ quan truyền thông nghe nhìn quốc gia? Hay là nhà đài cũng xem các sai sót có hệ thống về ngôn ngữ của bình luận viên thể thao đó là chuyện nhỏ, khán giả hoặc phải chấp nhận, hoặc có thể xem đấy là sô diễn hài thư giãn cho vui? Có thể còn những lí do khác, nhưng dù gì, sự im lìm của lãnh đạo đài cũng đã là một lựa chọn.

Nhớ những năm 1990, có một chương trình vận động bảo vệ môi trường khá ấn tượng, với hình ảnh biên tập viên Trần Bình Minh, nay là Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, phía sau là mặt hồ lộng gió, nhìn thẳng vào khán giả và nói: “Đất nước chúng ta có xanh tươi sạch đẹp hay không, điều đó tuỳ thuộc vào bạn, vào tôi, và vào tất cả chúng ta”. Hai mươi năm đã qua, chúng ta không thay đổi được nữa. Nhưng hai mươi năm tới, vẫn phải hỏi rằng đất nước chúng ta có xanh tươi sạch đẹp hay không? Câu hỏi không chỉ cho thiên nhiên, mà cho cả xã hội, ngôn ngữ và con người... Điều đó, sẽ không phụ thuộc vào riêng một ai. Điều đó, tuỳ thuộc vào lựa chọn ngày hôm nay, và trong từng ngày sẽ qua, của bạn, của tôi, của từng người trong tất cả chúng ta.

Thế giới ngày mai (Nguồn ảnh: pixabay.com)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)