Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Xã hội > Lời giải cho “đề bài” mã định danh công dân 10 con số của GS Ngô Bảo (...)

Lời giải cho “đề bài” mã định danh công dân 10 con số của GS Ngô Bảo Châu

Thứ sáu 13/09/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Trong bài “GS Ngô Bảo Châu: “Đơn đặt hàng” của Bộ Tư pháp có tính khả thi cao” đăng trên Pháp Luật TP. HCM Online ngày 12/09/2013 có nêu phát biểu của GS Ngô Bảo Châu: “[Đ]ộ dài mã số thế nào là phù hợp, ổn định trong thời gian dài nhưng lại không gây lãng phí tài nguyên. Lãng phí ngay từ việc lưu trữ cho đến việc nhập dữ liệu. Rõ ràng 10 con số sẽ nhập nhanh hơn 12 con số rồi.

Đây là một “đề bài” khá thú vị, và tôi xin phép đưa ra lời giải về cấu trúc mã định danh công dân có độ dài dưới 12 con số.

Theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, những thông tin được đưa vào mã số định danh công dân thường gặp nhất là: ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cấp mã số, số hiệu cá nhân. Theo tình hình ở Việt Nam (so sánh với số CMND cũ hiện hành và số mới đang chuẩn bị triển khai đại trà) cũng như theo yêu cầu tối giản về độ dài mã số, có lẽ chỉ chúng ta nên giới hạn ở các thông tin: năm sinh, nơi cấp mã số và số hiệu cá nhân.

1. Năm sinh

Nếu ghi đầy đủ năm sinh với bốn con số thì sẽ không lo sợ gì về việc trùng lắp sau một chu kì thời gian (như sự cố Y2K vào năm 2000). Nhưng như thế sẽ khó đạt yêu cầu về độ dài. Ghi năm sinh với hai con số cuối sẽ ngắn gọn, nhưng kho số sẽ bị lặp lại sau 100 năm. Vì vậy, có thể thêm một con số để đánh dấu thế kỉ, ví dụ 19xx = 9, 20xx = 0, 21xx = 1,... để kéo dài chu kì lặp lại đến 1.000 năm. Nếu sợ như thế còn ngắn thì có thể thay các con số bằng chữ cái A-Z, thành ra 2.600 năm; nhưng thiết tưởng việc này là không cần thiết.

2. Nơi cấp mã số

Trước tiên là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chúng ta hiện có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với nhiều loại mã khác nhau (biển số xe, mã vùng điện thoại, đầu số CMND,...) nhưng loại có nhiều ưu điểm nhất là mã bưu chính, gồm sáu số, đã được Tập đoàn Bưu chính triển khai đến tận cấp xã và cụm địa chỉ nhận trong cả nước. Mã bưu chính cấp tỉnh gồm hai số, nếu đưa vào mã định danh công dân sẽ có lợi ích kèm theo là khuyến khích người dân quen dần với việc sử dụng mã bưu chính trong các giao dịch của mình, việc mà riêng ngành bưu chính hiện nay vẫn chưa làm được.

Ở cấp độ thấp hơn là huyện thì mã bưu chính cũng đã có danh mục ổn định, gồm hai con số tiếp theo mã tỉnh thành. Tuy nhiên, đại đa số các tỉnh thành chỉ có số quận huyện trong khoảng 10-20, nên áp dụng vào mã định danh công dân đồng nghĩa với việc bỏ phí hoàn toàn 80 % dung lượng kho số. Vì vậy, nếu muốn tiết kiệm hơn để giảm độ dài chuỗi số thì có thể chỉ dùng một chữ cái A-Z để xác định các quận huyện (có thể đến 26) trong mỗi tỉnh thành.

Xuống sâu hơn nữa thì mã bưu chính không thực sự ổn định vì chỉ dành một số tiếp theo cho cấp xã phường, và số cuối cùng cho cụm địa chỉ nhận. Vì vậy, như ở trên đã thay thế mã huyện bằng một chữ cái, thì ở cấp xã cũng dùng một chữ cái để mã hoá (tối đa 26 xã, phường cho mỗi quận, huyện). Nếu quận huyện nào có trên 26 xã phường thì kết hợp cả số (0-1) lẫn chữ cái để tạo thành tối đa 36 mã.

Việc lập cấu trúc mã hoá đến đơn vị hành chính cấp xã là hoàn toàn phù hợp với mục đích muốn cấp mã định danh công dân ngay từ khi trẻ em được sinh ra. Còn cơ quan công an quản lí công dân qua giấy CMND hay thẻ căn cước thì sẽ cấp cho họ khi đủ tuổi, trên cơ sở giấy khai sinh do UBND xã/phường/thị trấn cấp. Đồng thời, muốn triển khai cấp cho toàn dân thì việc thực hiện cũng sẽ rất nhanh, hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của đơn vị hành chính cấp xã, nơi quản lí sổ hộ khẩu hiện nay.

Một ưu điểm khác rất đáng kể của phương pháp mã hoá này, đó là khi chia tách hay sát nhập các đơn vị hành chính, cả từ cấp tỉnh cho đến cấp xã, việc phân tách hay kết hợp các chuỗi số cũng rất dễ dàng mà không lo bị trùng lắp. Ở tầm vĩ mô, nhà nước có thể thống kê được một cách dễ dàng tình hình dân số ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã.

3. Số hiệu cá nhân

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2011 trong cả nước có 11.121 xã, phường và thị trấn. Với tổng dân số khoảng 90 triệu người và tổng tỉ suất sinh bình quân trong vài chục năm trở lại đây khoảng 2 ‰, số trẻ em sinh ra trong cả nước mỗi năm sẽ vào khoảng 180.000, nếu chia đều ra thì mỗi đơn vị hành chính cấp xã sẽ cấp khoảng 16 giấy khai sinh mới mỗi năm. Nếu cấp mã định danh cho toàn dân, với tuổi thọ trung bình là 73 thì bình quân mỗi xã/phường/thị trấn sẽ có khoảng trên 110 người cùng mỗi độ tuổi. Dĩ nhiên, số người trẻ trong thực tế sẽ cao hơn con số này, và số người già sẽ ít hơn. Như vậy, để đạt ngưỡng an toàn, phần số thứ tự để cấp mã công dân ứng với mỗi năm tại đơn vị hành chính cấp xã nên là ba con số (tối đa 999 số cấp mỗi năm hay cho mỗi độ tuổi).

4. Cấu trúc mã định danh công dân

Các thông tin nêu trên có thể được sắp xếp theo hai trật tự khác nhau: theo năm sinh trước hay theo nơi cấp mã số trước. Thông lệ ở Việt Nam có lẽ quen với việc sắp xếp theo nơi cấp mã số trước.

Quy ước T là cấp tỉnh, H là cấp huyện, X là cấp xã, K là thế kỉ, N là năm sinh, S là số thứ tự cấp giấy khai sinh, ta sẽ có cấu trúc: TT-H-X-K-NN-SSS. Trong đó H và X có thể là các chữ cái A-Z hoặc số 0-9, và phần còn lại hoàn toàn là số 0-9.

Với cấu trúc mã định danh 10 chữ số này, trên lí thuyết có thể cấp cho mọi công dân Việt Nam trong vòng 1.000 năm. Nhìn vào mỗi mã định danh của một người, ta có thể nhanh chóng biết ngay người đó bao nhiêu tuổi, và đăng kí thường trú ở đâu khi mới sinh ra.

5. Những giải pháp thay thế

Ngoài giải pháp trên, có thể có những giải pháp khác như sau:

  • Về mặt thẩm mĩ hoặc kĩ thuật xử lí dữ liệu, nếu sử dụng chữ cái không thích hợp thì buộc yếu tố đơn vị hành chính cấp huyện và xã phải tăng lên 2 con số cho mỗi cấp. Độ dài chuỗi sẽ là 12 con số: TT-HH-XX-K-NN-SSS. Tuy vậy, với hệ thống máy tính hiện nay thì có lẽ việc sử dụng chữ cái trong mã định danh không gây trở ngại gì.
  • Nếu không muốn đưa yếu tố cấp huyện và xã, đồng thời không dùng chữ cái trong mã định danh, thì có thể chuyển hai con số của các yếu tố này sang phần số hiệu cá nhân, tức yếu tố này sẽ có độ dài là 5 con số (TT-K-NN-SSSSS), vẫn nằm trong khả năng cung cấp cho phép ở phạm vi mỗi tỉnh thành (gần 20.000 người trong cùng một độ tuổi). Với những đô thị nơi dân số có khả năng vượt quá 10 triệu người thì bản thân mã bưu chính cũng đã có đầu số cấp tỉnh mở rộng, như Hà Nội là 10-15, TP. HCM là 70-76, cho phép mỗi nơi quản lí được đến 50-60 triệu mã số. Nhưng điều này sẽ làm phức tạp thêm quy trình xử lí, do phải thêm một công đoạn chuyển tiếp thông tin giữa UBND cấp xã nơi làm giấy khai sinh, và công an cấp tỉnh nơi quản lí kho số. Thêm nữa là sẽ bỏ mất hai thông tin cần thiết khác trong việc “định danh” công dân: các đơn vị hành chính cấp huyện và xã.
  • Kéo dài thêm mã định danh công dân bằng cách bổ sung các yếu tố thông tin cá nhân khác. Tuy nhiên, cần so sánh hiệu quả đích thực của khả năng quản lí và khai thác thông tin với những phí tổn tài nguyên khi kéo dài thêm chuỗi số. Chỉ riêng với yếu tố giới tính, dường như Bộ Công an có đưa vào mẫu CMND mới (0 = nữ và 1 = nam ở vị trí thứ tư?), nhưng đây là vấn đề hiện nay trên thế giới đang có nhiều bàn cãi, nhất là trong việc công nhận giới tính thứ ba và hôn nhân đồng giới hay không. Vì vậy, đưa thông tin này vào mã định danh công dân sẽ vừa kéo dài thêm một con số, mà trong trường hợp công dân có những thay đổi gì về giới tính thì câu chuyện sẽ trở nên rất khó xử và phiền toái./.

Tháng 09/2013

[Bài này đã được đăng trên Pháp Luật TP. HCM Online (với nội dung lược ngắn lại theo khuôn khổ của một bài báo), ngày 14/09/2013, với tựa “10 con số định danh công dân thú vị”]

Lời bình trên diễn đàn

  • Theo Thanh Niên Online ngày 26/09/2013, Bộ Công an đề xuất cấu trúc mã số công dân gồm 12 số như sau:

    [M]ã số định danh cá nhân (còn gọi là mã số công dân) gồm 12 số tự nhiên có cấu trúc chứa thông tin cá nhân. Ví dụ mã số công dân là dãy 12 chữ số gồm: PPP-G-YY-NNN-NNN thì cấu trúc này được hiểu: PPP là mã tỉnh, thành phố nơi đăng ký khai sinh được áp dụng theo quy định của Chính phủ về danh mục bảng mã các đơn vị hành chính. G là số tương ứng với giới tính và thế kỷ mà công dân được sinh ra, trong đó nếu sinh ra từ năm 1900 đến 1999 thì nam có mã số là 0, nữ mã số là 1. YY thể hiện 2 số cuối của công dân trong giấy khai sinh. NNN-NNN là dãy số thể hiện số thứ tự hồ sơ cấp số định danh của công dân. Theo cấu trúc này thì công dân đầu tiên là nam sinh năm 1987, đăng ký khai sinh ở Hà Nội sẽ có mã số công dân là: 001087000001, nếu là nữ thì mã số công dân sẽ là: 001187000001.

    Rõ ràng là cấu trúc này không tối ưu cả về mặt tích hợp thông tin nhận diện, về khả năng phối hợp và triển khai cùng với các bộ ngành khác trong toàn quốc, lẫn về thẩm mĩ (nhìn vào một dãy dài những con số 0 trông rất không đẹp mắt!).

    • Một cách chi tiết hơn thì các nhược điểm của cấu trúc mã số công dân do Bộ Công an đề xuất là như sau:

      - không tiết kiệm: 12 con số quá dài so với lượng thông tin mà nó cung cấp (tỉnh thành nơi làm khai sinh, giới tính, năm sinh, số thứ tự);

      - không thuận tiện để phối hợp với các bộ ngành khác khi triển khai thực hiện: UBND cấp xã phường là nơi cấp giấy khai sinh và mã số công dân, công an tỉnh lại nắm quyền cấp số, tạo ra thêm một loại mã hành chính tỉnh thành khác trong khi đã có nhiều loại mã khác hiện hành (biển số xe, mã vùng điện thoại, mã bưu chính,...);

      - thiếu thẩm mĩ: một dãy dài ngoằng các con số 0 trong số thứ tự (bao giờ mỗi tỉnh thành mới đạt tới mức 1 triệu người sinh ra trong cùng một năm???);

      - không ổn định lâu bền: kho số chỉ dùng được tới 500 năm (theo như các nhà chức trách thông báo);

      - rắc rối: người có giới tính thứ ba hay chuyển giới sẽ bị đặt ngoài lề, phức tạp hoá con số giới tính khi dùng 0 cho nam và 1 cho nữ sinh trong khoảng 1900-1999 (tức 2 = nam 2000-2099, 3 = nữ 2000-2099,... ???)

  • Việc dùng mã địa phương có hạn chế là "phân bố không đồng đều", một xã ở Bắc Cạn cũng được đánh số như một phường ở Hoàn Kiếm Hà Nội. Vì vậy, có thể cải tiến biểu diễn thêm một bước nữa: Không dùng mã địa phương mà dùng số serie địa phương hay loạt số (serial number). Một địa phương có thể có nhiều loạt số, thí dụ tp HCM được cấp 70-76 hay nhiều hơn nữa nếu cần. Cách này đảm bảo phân phối đủ số khi cần, đặc biệt khi tách nhập tỉnh chỉ cần thay đổi loạt số, nên rất tiện lợi.
    Câu khẳng định: "Thêm nữa là sẽ bỏ mất hai thông tin cần thiết khác trong việc “định danh” công dân: các đơn vị hành chính cấp huyện và xã" của bài báo trên là không chính xác. Trên thực tế, dù ta chỉ có 2 ký tự mã serie cấp tỉnh, ví dụ HCM từ 70-76 nhưng việc phân phối số theo khoảng cho cấp Huyện và khoảng con cho cấp Xã thì vẫn không làm mất hai thông tin trên. Ngay nay, truyền thông phát triển nên việc phân phối số theo serie là rất động và đảm bảo đồng đều. Tóm lại là cần kết hợp dùng loạt số cho cấp tỉnh và phân khoảng cho huyện, xã.
    Thêm nữa, nước ta không phải bây giờ mới có số định danh cá nhân, không phải làm từ đầu mà đã làm từ 1946, hoàn thiện hơn là từ năm 1976. Số định danh cá nhân của nước ta chính là số CMND, bao gồm 9 chữ số với 2 chữ số đầu là mã tỉnh (nay chỉ cần chuyển sang mã serie tỉnh !) và 7 chữ số sau được phân phối theo khoảng xuống cấp huyện. Bộ 9 số này nếu dùng mã serie 2 chữ số thì đánh số được 1 tỷ -1 công dân, còn nếu mở rộng dùng ký tự và số cho mã serie thì nó biểu diễn được khoảng 35x35x10 triệu > 10 tỷ công dân, đủ cho cả hành tinh.
    Số CMND của ta được đảm bảo tính duy nhất bằng hệ thống 63 tàng thư tại 63 tỉnh, tức cần cấp lại số CMND cho 1 CD ta vẫn đảm bảo cấp đúng số ban đầu đã cấp ngay cả khi CD đó không hợp tác (tội phạm) hay mất khả năng cung cấp (tâm thần, ốm hay bị thương nặng, chết). Tính năng này các hệ căn cước nhiều nước như Mỹ, Châu Auu, Nhật Bản, chưa có !".
    Hệ CMND hiện nay của ta chỉ có 1 lỗi thiết kế, đó là Ngành CA đã trót qui định CD khi chuyển hộ khẩu sang tỉnh khác phải làm lại CMND khác với số khác. Hậu quả là một CD có thể có nhiều số CMND riêng tại nhiều tỉnh khác nhau. Tôi nhấn mạnh là nhiều số riêng còn trường hợp 1 số được cấp cho nhiều người là lỗi thực hiện sai qui trình chứ không phải do thiết kế. Tuy nhiên lỗi trên có thể sửa được, bằng cách sửa lại qui định trên là khi CD chuyển hộ khẩu sang tỉnh khác vẫn có thể làm lại CMND để cập nhật nơi thường trú nhưng vẫn giữ đúng số cũ đã cấp.
    Vì vậy, tôi khẳng định phương án dùng số CMND cũ 9 chữ số đã cấp để làm số định danh hay mã công dân là phương án có tính kế thừa, không gây đảo lộn hệ thống hồ sơ nghiệp vụ, bởi vậy là tối ưu.
    Cũng có thể mở rộng theo kiểu nối dài thêm ba chữ số theo cách sau: SN1234567GYY với SN là loạt số (serial number); 1234567 là 7 số thứ tự đúng như trên CMND cũ; GYY lấy như đề xuất của dự án CMND mới nhưng tôi thấy không cần thiết.
    Chi tiết hơn, đề nghị tham khảo bài "CMND mới: Đâu cần 12 số" trên Báo nld.com.vn.
    Nguyễn Ngọc Kỷ BCA

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)