Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Khoa học và giáo dục > Công nghệ số và văn hoá > Tin đồn, tin giả, và fact-checking

Tin đồn, tin giả, và fact-checking

Thứ tư 11/11/2020, của Nguyễn Tấn Đại

Trong suốt lịch sử loài người, thông tin luôn là một phần quan trọng của tiến trình phát triển. Nhờ có sự khai phá và lan toả thông tin mà con người có thể cải thiện hiểu biết về của mình thế giới xung quanh, từ đó mà dần bớt đi mông muội. Nhưng ngược lại, đi cùng với sự lan toả thông tin sự thật là tin đồn, với nhiều chủ đích khác nhau, không phải lúc nào cũng phục vụ mục đích phát triển hay tiến bộ, mà có khi khiến cho con người trở nên lầm lạc, ngu muội hơn.

Cổ ngôn phương Đông có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, ý muốn nói đến việc những người có cùng quan điểm, sở thích, mối bận tâm,… có xu hướng tìm đến nhau, kết nối cùng nhau. Hay tục ngữ Việt Nam có câu “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, với đại ý rằng các thông tin tốt hay xấu cũng lan toả trong không gian địa lí rộng lớn, thường là bằng cách truyền miệng thông qua mạng lưới những người có cùng xu hướng ủng hộ hay chống đối các loại thông tin ấy. Độ lan xa của “tiếng lành” hay “tiếng dữ” phụ thuộc vào mức sàng lọc của những nhân tố lan truyền thông tin trong mạng lưới.

Nói về tin đồn, lại có câu “tam sao thất bản”: tin truyền miệng từ người thứ nhất đến người thứ hai, rồi người thứ hai đến người thứ ba, thì người thứ tư sẽ nghe được từ người thứ ba một câu chuyện hoàn toàn khác với nguyên bản. Các lề thói, tập quán xã hội, trình độ dân trí và thái độ trung thực của người truyền tin là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính chính xác và chân thực của thông tin lan toả trong cộng đồng. Khoa học phương Tây đã phát triển nhiều học thuyết khác nhau liên quan đến hành vi và tâm lí ứng xử của con người, trong đó “Thuyết hành vi hoạch định” (Theory of Planned Behavior – TPB) của Icek Ajzen (1991) có nhiều yếu tố cho phép giải thích các mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng lan truyền tin tức kể trên.

Mô hình “thuyết hành vi hoạch định” của Icek Ajzen (1991)

Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội, cơ hội tiếp cận thông tin luôn rộng mở cho mỗi cá nhân học hỏi, phát triển, tiến bộ, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng một hiện tượng đáng quan ngại là tin đồn và tin giả (fake news) cũng có cơ hội để sinh sôi nảy nở và phát triển với một tốc độ bùng nổ chóng mặt. Áp dụng thuyết TPB để giải thích hiện tượng này, có thể thấy hành vi (behavior) tiếp nhận thông tin từ người này và lan truyền cho người khác phụ thuộc vào ý định (intention) của cá nhân. Còn ý định lan truyền thông tin của cá nhân phụ thuộc vào thái độ (attitude), ý chí kiểm soát (perceived behavioral control) của họ đối với thông tin tiếp nhận được và các chuẩn mực khách quan (subjective norm) của xã hội hay cộng đồng nơi họ đang sống. Ngược lại, niềm tin sẵn có của cá nhân, được tạo lập và củng cố thông qua thói quen hành vi của họ, sẽ tác động đến chính thái độ và ý chí kiểm soát của bản thân cũng như chuẩn mực khách quan của xã hội.

Trong xã hội truyền thống, thông tin đúng hay sai vẫn thường lan toả giữa các cá nhân, đội nhóm, hội đoàn bằng các cách thức hay phương tiện truyền thông cổ điển như truyền miệng, hội họp, báo chí, tài liệu tuyên truyền, v.v. Do phạm vi không gian và thời gian tiếp xúc trực tiếp giữa các thành viên có phạm vi giới hạn nhất định, các chuẩn mực cộng đồng duy trì được vai trò điều tiết của mình đối với thái độ, ý chí kiểm soát và ý định lan toả thông tin của các thành viên. Nhưng với mạng xã hội, phạm vi giới hạn về không gian và thời gian bị xoá nhoà nên vai trò tác động của các chuẩn mực khách quan không còn nguyên vẹn. Niềm tin, thái độ và ý chí kiểm soát của cá nhân trở thành những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến ý định và hành vi lan toả thông tin của cá nhân. Điều đó làm gia tăng rủi ro mắc sai lầm khi dựa vào chuẩn mực, thói quen của một cộng đồng địa lí hoặc chuyên môn này để phán xét những vấn đề xảy ra tại một cộng đồng địa lí hoặc chuyên môn khác.

Hơn nữa, thuật toán của các mạng xã hội phổ biến vẫn thường dựa vào lịch sử hành vi và tương tác của người dùng nhằm tối ưu hoá các phương án quảng cáo. Do đó, xu hướng kết nối hội nhóm theo sở thích và niềm tin càng được tăng cường giữa các cá nhân vốn thuộc những cộng đồng có sự tách biệt trong xã hội truyền thống. Sự phân cực giữa các nhóm tin tưởng hay nghi ngờ tin đồn ngày càng biểu hiện rõ, đặc biệt khi cá nhân mất niềm tin vào các kênh thông tin chính thức, kể cả báo chí, hoặc không có đủ hiểu biết hay dữ kiện để kiểm chứng tính xác thực của thông tin nhận được.

Từ thực trạng đó, trong những năm gần đây ở các nước phương Tây xuất hiện nhiều sáng kiến fact-checking” (tra cứu sự thật) nhằm cung cấp các dữ kiện đối chiếu độc lập để làm sáng tỏ những vấn đề nêu ra trong các tin đồn và tin giả được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Có thể kể đến một số hệ thống phổ biến của các tổ chức độc lập như FactCheck.org (tiếng Anh), PolitiFact (tiếng Anh), Media Bias/Fact Check (tiếng Anh), hay của các cơ quan truyền thông có uy tín như AP Fact Check (tiếng Anh), AFP Fact Check (đa ngôn ngữ), Le Monde – Les décodeurs (tiếng Pháp),… Các hệ thống tra cứu sự thật này dù không hoàn hảo vẫn luôn chọn cách tiếp cận khách quan nhất có thể, chọn lọc các nguồn thông tin đủ độ tin cậy, áp dụng phương pháp phân tích đa chiều vượt qua khuôn khổ quan điểm chính trị, nhằm xác nhận, bác bỏ hay cải chính các nội dung liên quan.

Quy trình kiểm chứng tin giả do Liên đoàn Thư viện Quốc tế (IFLA) khuyến cáo

Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm thiết lập lại chuẩn mực khách quan trong mô hình TPB, giúp cân bằng với tác động của các yếu tố niềm tin, thái độ và ý chí kiểm soát đối với ý định và hành vi chia sẻ, lan toả thông tin của mỗi cá nhân. Ở Việt Nam, rất tiếc là chưa có một sáng kiến nào tương tự để xây dựng một hay nhiều hệ thống tra cứu sự thật một cách bài bản và hoàn chỉnh bằng tiếng Việt. Vì vậy, trách nhiệm hạn chế sự lan toả và hệ luỵ của tin đồn sẽ nằm chính ở mỗi người, đặc biệt là khi quan tâm đến những vấn đề nằm ngoài phạm vi cộng đồng địa lí mà mình có cơ sở hiểu biết và đầy đủ thông tin để kiểm chứng.

Với quan điểm chính trị, quan niệm kinh tế xã hội hay tình cảm cá nhân, người ta có thể hành động theo niềm tin, sở thích của mình. Nhưng với những thông tin mang tính chất khoa học hay cáo buộc, kết tội, cần phải có đầy đủ bằng chứng khách quan và xác tín. Do đó, rất cần mỗi người thận trọng tra cứu sự thật trước khi chia sẻ hay phát xét, kết luận về những thông tin có dấu hiệu đáng ngờ, chưa được kiểm chứng chắc chắn.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)