Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Khoa học và giáo dục > Công nghệ số và văn hoá > Smartphone, thư tình, và Trump

Smartphone, thư tình, và Trump

Thứ hai 10/07/2017, của Nguyễn Tấn Đại

Bản gốc bài “Smartphone, thư tình, và Donald Trump” đăng trên Người Đô Thị, số 62 (7/2017), tr. 28-29, địa chỉ truy cập: http://nguoidothi.net.vn/smartphone-thu-tinh-va-donald-trump-8914.html.

Thời nay, mỗi ngày thức dậy ai cũng thấy bao quanh mình đầy rẫy các loại màn hình, từ tivi đến máy tính rồi tabletsmartphone các loại. Chiếc điện thoại nhỏ bé càng ngày càng trở nên “thông minh”, giúp ta làm được đủ thứ việc. Nào thoại, nào chụp hình quay phim, nào lướt web, nào chat chit, hay cả… tán tỉnh nhau. Tất cả nhanh tắp lự, có khi vội vàng đến mức mọi thứ cảm xúc bùng lên ngay rồi trôi đi tuồn tuột. Chẳng thế mà các thế hệ từ “8X đời đầu” trở về trước, nhất là những cặp đôi từng xa nhau, không ít thì nhiều vẫn lưu luyến kỉ niệm, vốn chưa xa xôi gì mấy, về những “phong thư tình ngây dại [1], mỗi lần gửi hay nhận đều đong đầy hồi hộp xúc cảm yêu thương có khi kéo dài đến mấy tuần lễ. Nhưng, cho dù thế thì smartphone với thư tình có can hệ gì đến Trump, tổng thống xứ cờ hoa?

Ừ, thì có, bởi lẽ vị tổng thống triệu phú này vừa mới tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Và các bức thư tình, hay những chiếc smartphone cũng đều có liên quan đến câu chuyện biến đổi khí hậu cả. Nghe có kì bí quá không?

Thế này nhé, các nhà khoa học tính rằng, lượng khí tương đương CO2 thải ra cho một hành khách đi xe lửa quốc nội là vào khoảng 50 g/km. Với khách đi máy bay cỡ lớn hạng phổ thông, con số đó có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần [2]. Tức là, nếu bưu điện chuyển các kiện thư đi bằng đường sắt thay vì hàng không, một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, sẽ được giảm đi. Những bức thư tình Hà Nội-Sài Gòn chẳng hạn, có thể không chỉ lãng mạn mà còn rất… bền vững nếu chịu chậm bớt 1-2 ngày.

Vậy thì, máy tính hay smartphone ngày nay thay thế hoàn toàn các bức thư tình trước kia, thế là bền vững đấy chứ?

Ồ không, thấy vậy mà không phải vậy! Trước tiên, phải công nhận rằng thư điện tử (e-mail) tỏ ra tiện dụng hơn thư tay rất nhiều: nhanh, tức thời, kèm theo hình ảnh, video dễ dàng, hầu như không tốn kém (tiền túi) trừ khoản kết nối Internet. Các ứng dụng thoại có hình, nhắn tin nhanh trên smartphone cũng thế. Nhưng, liên quan đến khoản bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thì chưa chắc.

Thật vậy, tính toán của các nhà khoa học cho thấy khi một người dùng máy tính gửi một bức e-mail có dung lượng 1 MB (ví dụ đính kèm một tấm ảnh số chưa chỉnh sửa) cho một người khác, lượng khí thải tương đương CO2 tổng cộng là 19 g. Số người cùng nhận thư càng nhiều thì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng tăng, 2 người là 25 g, 3 người là 31 g, 10 người là 73 g, 100 người là 615 g, tức bình quân 6 g tăng thêm cho mỗi người nhận. Lấy ví dụ một doanh nghiệp có 100 nhân viên, mỗi nhân viên gửi trung bình 33 e-mail (dung lượng 1 MB) mỗi ngày, làm việc 220 ngày mỗi năm, tổng lượng khí tương đương CO2 mà doanh nghiệp này thải ra mỗi năm sẽ là 13,6 tấn [3].

Bạn có biết con số 13,6 tấn CO2 này có ý nghĩa gì không? Nó là lượng khí thải tính theo đầu 1 hành khách hạng phổ thông trên... 13 chuyến bay Paris-New York và… 55 chuyến bay Hà Nội-Sài Gòn. Hoặc nếu bạn đi ô tô loại chạy xăng với mức tiêu tốn nhiên liệu 7 lít mỗi 100 km, con số đó tương đương với… 26 vòng đi và về giữa hai thành phố này dọc theo Quốc lộ 1 [4].

Với một chiếc smartphone trong tay, giờ đây ai cũng có thể chụp ảnh, quay phim một cách nhanh chóng, rồi tải lên mạng xã hội để chia sẻ với “bạn bè”. Một tấm ảnh loại thường cũng đã có dung lượng từ 1 MB đến 2 MB, còn nếu chọn độ phân giải cao thì dung lượng có thể lên 5 MB hay 7 MB, thậm chí hơn thế nữa. Giả sử một người đăng lên mạng xã hội mỗi ngày vài ba chục tấm hình chưa qua xử lí như trên liên tục trong 1 năm, thì người ấy có lẽ đã “góp thêm” cho Trái Đất trên dưới 150 kg khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tức bằng với khoảng 1.000 km chạy xe ô tô, hay gần 2.000 km chạy xe máy. Chúng ta có thể vô tư nghĩ rằng mình không tốn kém gì cả, ngoài tiền kết nối Internet, nên cứ thoải mái share, nhưng không biết rằng mỗi ngày chính mình đang góp phần cho tình trạng biến đổi khí hậu càng trở nên trầm trọng.

Đến đây, có thể bạn sẽ hỏi: có thật là các nhà khoa học đã tính ra những con số đó không? Xin thưa rằng, đó là sự thật, chỉ là chúng ta không để ý mà thôi. Để máy tính hay điện thoại hoạt động, ta phải sạc pin; thế là tốn thêm điện năng hàng tháng. Để duy trì kết nối Internet cho bạn, các nhà mạng phải tiêu tốn nhiều năng lượng duy trì thường trực hệ thống hạ tầng viễn thông của mình. Để tạo cho bạn một hộp thư điện tử miễn phí, nhà cung cấp phải duy trì một hệ thống khổng lồ các loại máy chủ, đĩa cứng lưu trữ dữ liệu cũng như nhân viên thường trực hỗ trợ kĩ thuật hay đảm bảo an ninh mạng. Tương tự, các mạng xã hội cho phép bạn chia sẻ gần như vô hạn định mọi thứ, nhưng không có nghĩa rằng mọi thứ đều vô hạn định. Một cú nhấp chuột hay một cái vuốt tay của bạn ở đây đồng nghĩa một lượng điện năng tiêu thụ nhiều hơn ở một máy chủ đang chạy tại một đất nước xa xôi nào đó, thường là ở các xứ lạnh hay cực lạnh, để tiết kiệm năng lượng. Nói một cách nôm na theo định luật bảo toàn năng lượng thì: năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi; nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Nghĩa là, trong mọi trường hợp lạm dụng, nạn nhân đầu tiên là Trái Đất, và nạn nhân cuối cùng sẽ… chính là chúng ta.

Ngày lễ tình nhân của thời đại công nghệ. Biếm hoạ BI. Nguồn: Người Đô Thị.

Quay lại chuyện tổng thống Trump, quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris 2015 chắc chắn là một “đòn đau” cho phần còn lại của thế giới, cho môi trường, cho Trái Đất. Nhưng đó cũng không phải là ngày tận thế. Bởi có khi nó lại tạo một hiệu ứng ngược, thúc đẩy sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các quốc gia khác, và chính ngay từ các thành phố, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bên trong nước Mỹ. Còn từ nước Việt nho nhỏ, những con người nho nhỏ chúng ta với những tình yêu lớn nhỏ khác nhau, với những chiếc điện thoại thông minh be bé xinh xinh trên tay, chúng ta có thể làm được gì?

Không cần bạn phải làm điều gì to tát. Chỉ cần nhớ rằng e-mail, smartphone, mạng xã hội… cho bạn rất nhiều thứ miễn phí, nhưng không có nghĩa là những thứ đó không có giá. Mỗi ngày “quăng” vài chục tấm ảnh cho bạn bè trên mạng xã hội ư? Hãy nhớ về chặng đường ô tô vất vả 1.000 km từ Sài Gòn ra Huế để chọn lọc lại những hình ảnh nào đáng chia sẻ nhất. Muốn share những phút giây vui vẻ, hạnh phúc với người quen ư? Hãy nghĩ về sự cực nhọc của hành trình xe máy 2.000 km xuyên Việt, để dừng lại một chút, chọn thêm một công cụ thu nhỏ dung lượng hình ảnh xuống trước khi tải lên mạng. Hay biết đâu, tạo lại thói quen cho mình viết những bức thư tay nồng nàn tình cảm, chan chứa cảm xúc cho những người yêu thương, đó cũng có thể là một cách để chúng ta lắng mình xuống, sống chậm lại, bớt lệ thuộc vào những cuộc chạy đua vội vã điên cuồng, để cho mình làm chủ được máy móc và công nghệ số?

Sài Gòn, 10/06/2017


[1Lời bài hát “Chuyện tình buồn”, nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Văn Bình.

[3Analyse comparée des impacts environnementaux de la communication par voie électronique. Agence de l’Environnement et de la Maîtrise de l’Énergie, Paris, juillet 2011.

[4Tính toán tại co2.myclimate.org.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)