Trang chủ > Khoa học và giáo dục > Công nghệ số và văn hoá > Con cái chúng ta thật tuyệt!
Con cái chúng ta thật tuyệt!
Chủ nhật 25/06/2017, của
Vừa qua, dư luận rộn lên câu chuyện cha mẹ đăng ảnh con trên mạng xã hội sẽ bị phạt, với đủ kiểu phản ứng, ý kiến trái chiều. Khi được giải thích rằng đấy là luật, thì nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của nó. Còn phần đông thì vẫn điềm nhiên cho qua, giống như bao nhiêu văn bản pháp luật khác, có trên giấy mà không đi vào đời sống được. Con cái chúng ta thật tuyệt, tại sao phải ngăn cấm cái sự sung sướng chia sẻ ấy lại kia chứ?
Chợt nhớ một dạo, cô con gái còn học lớp 4, về nhà bảo ba mở cho con một cái “Gờ-meo”. Ba hỏi để làm gì, con bảo thầy dạy tin học ở trường kêu mở để thầy hướng dẫn làm bài và gửi tài liệu học tập. Ba nhất định không cho, vì con chưa đủ tuổi, và bảo con nói thầy cứ gửi về địa chỉ của ba là được. Con khóc bù lu bù loa, có cả mẹ hùa vào phê phán ba cứng nhắc làm ảnh hưởng chuyện học hành của con. Rốt cục, ông ba khó tính vẫn kiên quyết không giúp con, nhưng nhắm mắt làm ngơ không buồn cản. Con gái tự làm, khai gian tuổi của mình, đổi năm sinh sao cho Google không “bắt bẻ” nữa. Tuy có e-mail để làm bài theo hướng dẫn của thầy giáo, nhưng bụng nàng vẫn rất ấm ức mình “ba xạo”, luôn mong chờ đến ngày tròn 13 tuổi để chính thức “lấy lại tên em”.
Nhưng tại sao các hệ thống mạng như Google hay Facebook lại đặt ra cái mốc 13 tuổi? Đó là vì, hầu hết các hệ thống này đều hoạt động theo luật pháp của Mỹ. Và xứ cờ hoa này ngay từ năm 1998 đã đặt ra Đạo luật Bảo vệ Quyền Riêng tư của Trẻ em trên Mạng (Children’s Online Privacy Protection Act – COPPA), yêu cầu các hệ thống mạng khi muốn thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi thì cần phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu. Để xây dựng một hệ thống từ máy móc đến con người để quản lí chỉ riêng về mặt pháp lí đối với nhóm thành viên “nhóc tì” này thì quá ư là tốn kém và phức tạp, nên tốt nhất là hạn chế luôn. Cô con gái 10 tuổi đã phải đôi ba lần tạo địa chỉ Gmail khác, chỉ vì có lúc chỉnh sửa thông tin, chọn lại năm sinh đúng và tài khoản hiện hành ngay lập tức bị khoá.
Không biết Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam dựa vào cơ sở nào để đặt ra cột mốc 7 tuổi, rằng từ đấy các em đã có sự hiểu biết về quyền riêng tư của mình. Những văn bản dưới luật kèm theo cũng chẳng rõ ràng hơn là bao. Các quan chức thì bảo rằng sẽ phạt người vi phạm, nhưng cũng chẳng dựa trên một văn bản pháp quy nào cho ra đầu ra đũa, mà toàn bằng cách diễn giải những văn bản quy định xử phạt hành chính các loại ban hành từ nhiều năm trước, thuộc nhiều lĩnh vực khác, trừ lĩnh vực… bảo vệ trẻ em. Thôi thì việc quan quan cứ làm, đời ta ta cứ thụ hưởng cái đã vậy.
Nhưng nói đi phải nói lại, luật quy định thế có phải hoàn toàn vô lí không? Không! Đấy cũng là học hỏi từ thế giới tiến bộ, chỉ là học không tới nơi tới chốn thôi. Ngoài nước Mỹ đi tiên phong, trên thế giới kể ra cũng chưa nhiều nước có đạo luật riêng về vấn đề này, mà thường lồng ghép vào trong các đạo luật liên quan đến quyền riêng tư cá nhân nói chung. Ngay cả Liên minh Châu Âu, nơi Nghị viện Châu Âu họp mỗi tháng một lần, ban hành ra bao nhiều văn bản luật mỗi năm, nhưng vẫn làm rất thận trọng, từ khâu so sánh luật hiện hành ở các nước thành viên, đến tham chiếu các tuyên ngôn và hiệp ước quốc tế về nhân quyền và trẻ em, rồi cân nhắc, lắng nghe ý kiến phản biện, đóng góp của các chuyên gia và nhà nghiên cứu… Dù chưa có sự đồng nhất, nhưng hầu hết các nước này đều xác định rằng trẻ em cần có người lớn bảo vệ quyền riêng tư của mình cho đến khoảng 12-14 tuổi.
Có điều là, không kể chuyện trẻ em Việt Nam có thể già dặn hơn các nước khác để có quyền tự quyết ngay từ 7 tuổi, quy định ràng buộc như thế chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức, mà hầu như vô tác dụng đối với cá nhân. Khi tạo một tài khoản người dùng trên mạng, nhà cung cấp dịch vụ chắc chắn phải có đầy đủ các quy định, thoả thuận theo đúng yêu cầu của luật pháp, nhưng có mấy người chịu ngồi đọc kĩ lưỡng để hiểu rõ trong đó nói gì? Tuyệt đại đa số người dùng chỉ làm mỗi một việc là rê chuột hay kéo màn hình xuống thật nhanh, để bấm vào cái nút đại loại là “Đồng ý” để sang tiếp phần sau. Bút sa gà chết, chuột sa chẳng ai chết. Họ tên, ngày tháng năm sinh và mọi thông tin cá nhân các loại, ai muốn khai kiểu gì cũng được, cốt là có ngay một cái tài khoản mà xài. Trừ phi có chuyện gì kinh khủng khiếp, nếu không chả có nhà chức trách nào lại đi dò tìm từng người “khai man” thông tin cá nhân của mình để bắt tội cả.
Cũng thế, con cái nhà tôi thật tuyệt, tôi cứ thế mà khoe với anh chị em bạn bè bà con cô bác hàng xóm láng giềng gần xa. Ai mà cấm được? Đúng! Chẳng ai cấm được, chẳng ai phạt được, cho tới khi nào chính đương sự… khởi kiện. Thật vậy! Internet có “trí nhớ” rất dai, mà không phải nơi nào cũng có đủ quyền lực như Liên minh Châu Âu để cho phép công dân mình có quyền “được quên lãng” trên mạng. Ở Áo năm ngoái, một cô gái 18 tuổi đã yêu cầu cha mẹ mình gỡ bỏ khỏi Facebook hơn 500 bức ảnh của cô thời còn bé, đặc biệt là trong những bối cảnh hay tư thế “khó đỡ”. Khi bé thì có thể ngộ nghĩnh, nhưng giờ đã trưởng thành, cô muốn giữ điều đó trong thế giới riêng tư của mình. Cha mẹ không đồng ý, kết quả là cha mẹ con cái dẫn nhau ra toà.
Ta sẽ lại nói, ôi dào, mình chỉ chia sẻ những hình ảnh nào hay ho, đẹp đẽ thôi chứ. Quả là vậy, thường thì “tốt khoe xấu che”, chỉ có dại dột lắm mới chia sẻ những hình ảnh xấu xí trên mạng. Các ông bố bà mẹ Việt Nam cũng không phải là cá biệt gì, bởi có kết quả khảo sát cho thấy đến 97 % các bà mẹ Mỹ thường xuyên đăng ảnh con mình trên Facebook, còn các bà mẹ Pháp cũng thích đăng hình con cho mọi người thấy mình là bà mẹ hoàn hảo. Nhưng hãy lưu ý, phía sau những hình ảnh hoàn hảo ấy, mọi thứ không hoàn toàn màu hồng. Các nhà nghiên cứu và các tổ chức bảo vệ trẻ em đã lên tiếng cảnh báo về nhiều vấn đề tâm lí và sức khoẻ của trẻ em vị thành niên phát sinh do chứng “cuồng” mạng xã hội hay thiết bị di động. Nhưng đó sẽ là chủ đề của một bài viết khác, còn ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến góc độ hình ảnh của trẻ em do cha mẹ chia sẻ trên mạng.
Những em bé xinh xắn, dễ thương, bụ bẫm, đáng yêu, đó là niềm tự hào của cha mẹ, đáng để khoe với bạn bè chứ! Hoàn toàn đúng, nhưng đó cũng đồng thời là một nguồn thông tin vô cùng quý báu và hoàn toàn miễn phí cho những kẻ cuồng ấu dâm hay chuyên bắt cóc, xâm hại trẻ em. Bạn có thể nghĩ rằng đấy là chuyện xa xôi của ai khác, còn danh sách bạn của mình chỉ toàn những người thân quen tin tưởng thôi mà. Nhưng có thể bạn quên rằng, những người bạn của bạn cũng có những người bạn khác, chưa chắc là bạn của bạn; rồi mối dây cứ thế mà kéo dài, nhân rộng. Hình ảnh của con bạn một khi đã chia sẻ ra, sang “tay” người khác, thì không chắc gì bạn đã có thể cứu vãn, níu giữ lại được cho riêng mình. Ai trong số những người bạn của bạn, rồi bạn của bạn của bạn, rồi bạn của bạn của bạn của bạn nữa… sẽ làm gì với hình ảnh của con bạn? Không ai biết được chữ ngờ; bạn đã tự gieo cho mình một mối nguy vì đã khoán hẳn hình ảnh con mình vào tay người khác.
Với các nhà cung cấp, như Facebook chẳng hạn, thường họ có thoả thuận rõ ràng ngay từ đầu, rằng khi bạn đăng hình ảnh, nội dung lên tài khoản mà Facebook cấp cho thì bạn đã chấp nhận nhượng cho họ toàn bộ quyền sử dụng và khai thác hình ảnh, nội dung đó. Tất nhiên, họ không làm gì bậy bạ mà chủ yếu là phục vụ mục đích quảng cáo thu lợi nhuận, nhưng bản thân bạn là tác giả hình ảnh cũng như con bạn là chủ thể hình ảnh đều không được hưởng một xu nào. Còn cá nhân những người có tài khoản kết nối được với hình ảnh mà bạn chia sẻ, không ai cấm cản được họ làm gì với những hình ảnh đó. Ở các nước phát triển luật pháp chặt chẽ rõ ràng đã dành, ở Việt Nam mọi thứ còn mơ mơ hồ hồ, khi có chuyện gì xảy ra bạn sẽ còn đau đầu nhức óc để xử lí hậu quả. Facebook và mạng xã hội chỉ bùng nổ trong chưa đầy chục năm trở lại, những hệ luỵ và nguy cơ tội phạm liên quan đã bắt đầu manh nha tiềm tàng, và với sự “tiếp tay” do vô tư hay bất cẩn của chính người dùng, không ai đoán định được lúc nào chúng sẽ nở rộ.
Đến đây, bạn sẽ nói sao mà trầm trọng hoá vấn đề đến vậy, nhỉ? Đúng! Facebook hay mạng xã hội đã trở thành một phần cuộc sống trong xã hội loài người hiện đại. Chúng ta không thể chối bỏ, quay lưng với nó, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cách sử dụng của mình, sao cho vừa đáp ứng những nhu cầu tức thời, vừa giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng trong tương lai. Ví dụ, với Facebook, hãy chịu khó xem thêm những hướng dẫn và công cụ trong “Parents Portal”, cổng thông tin dành cho cha mẹ. Và hãy nhớ 7 nguyên tắc chia sẻ hình ảnh trẻ em do BBC Family & Education News gợi ý khi chia sẻ hình ảnh của con cháu mình như sau :
- Không đăng những hình ảnh có thể gây rắc rối khi mai này con cháu mình khôn lớn;
- Khi đăng hình ảnh có con cháu người khác, hãy xin phép họ trước;
- Không đăng ảnh con cháu mặc đồng phục học sinh hay ở trường học nhằm tránh bị nhận diện dễ dàng;
- Không tag chính mình và đề nghị bạn bè không tag chính họ vào trong ảnh;
- Chú ý chọn lọc những thông tin cho phép hiển thị công khai trong hồ sơ cá nhân;
- Không bao giờ đăng ảnh các cháu không mặc quần áo hoặc lộ một phần thân thể (mặc đồ bơi, cởi trần, cởi truồng…), ngay cả khi chọn chế độ chia sẻ riêng tư;
- Tắt chế độ chọn địa điểm công khai nơi chụp hình ảnh.
Cuối cùng, nếu bạn đã cho phép con cháu dưới 13 tuổi của mình “khai man” để tạo tài khoản Facebook, hãy cố gắng thuyết phục các cháu, để dành thời gian thưởng thức cuộc sống thật ngoài kia, cho đến ngày đủ khôn lớn để danh chính ngôn thuận có một tài khoản của riêng mình. Như thế, những đứa con của chúng ta vẫn rất tuyệt vời, và chúng sẽ tự hào vì thực sự có những ông bố bà mẹ cũng tuyệt vời không kém.